Chồn Hương – “vàng sống” ở xứ cà phê

Đã từ lâu, người tiêu dùng sành điệu rất mê sản phẩm cà phê chồn; nhiều nhà hàng ở TP Hồ Chí Minh có món đặc sản thịt chồn cũng nườm nượp thực khách. Vì thế, Chồn Hương đã trở thành một thứ “vàng sống” ở Tây Nguyên.

Chồn hương – động vật tham gia chế biến cà phê

Cà phê chồn được sản xuất bằng cách cho chồn hương ăn quả cà phê tươi, sau đó lấy hạt cà phê từ phân của chồn để làm sạch và chế biến thành cà phê hảo hạng. Kỹ thuật tạo ra cà phê tuyệt hảo này là nhờ chồn hương tham gia vào quá trình “chế biến”.

Người ta chọn những trái cà phê chín đỏ hái ngay ở các vườn và đem về rửa sạch. Chồn hương khỏe, tiêu hóa tốt được chọn cho ăn cà phê để… thải ra cà phê có chất lượng tốt. Hạt cà phê do chồn hương “xử lý” phơi khô kỹ, cất giữ vài năm vẫn không mất đi hương vị độc đáo của nó.

 
Nuôi Chồn Hương một công nuôi mang lại 2 lợi ích

Nếu cà phê nhân thông thường có giá 25.000 đồng/kg thì cà phê chồn cùng thời điểm giá từ 1 – 2 triệu đồng/kg nguyên liệu. Trên thế giới có một số nước sản xuất cà phê chồn như Indonesia, Philippines, Ethiopa… nhưng với số lượng rất hạn chế và giá thành rất đắt (khoảng 1.300USD/kg). Còn riêng tại Buôn Ma Thuột, giá một ly cà phê chồn để bạn nhâm nhi thưởng thức cũng có giá… 200.000 đồng/ly.

Thịt chồn hương – giá trị dinh dưỡng cao

Chồn hương đã giúp nông dân Tây Nguyên gia tăng giá trị cà phê, bên cạnh đó chồn hương còn cho giá trị thương phẩm cao. Do cà phê chỉ có mùa, nên sau khi kết thúc vụ cà phê thời gian còn lại nhiều trang trại chuyển qua sản xuất chồn thương phẩm. Vì thế, nuôi chồn hương đã nhân đôi giá trị, được coi là con vật “vàng sống” của xứ cà phê.

Chồn hương đực có tuyến xạ hương là dược liệu quý, vị cay, tính ấm, có tác dụng chống độc, tiêu viêm, giảm đau, thông kinh. Ở nhiều nước trên thế giới, xạ hương của chồn hương được dùng trong công nghệ chế biến nước hoa, mỹ phẩm, thực phẩm…
Anh Nguyễn Quốc Khánh chủ trang trại nuôi chồn hương ở thôn 6 Krông Buk, huyện Krông Pắk (Đăk Lăk) cho biết: “Chồn hương là loại động vật dễ nuôi trong chuồng hay thả hoang vì chúng ít mắc bệnh. Thức ăn của chúng là chuột và các loại hoa quả. Thịt chồn hương lại thơm, ngon, bổ dưỡng, được nhiều người ưa chuộng. Chồn hương sinh sản mỗi năm 1 lứa, mỗi lứa từ 3-5 con”. Say mê với chồn hương, Khánh đã bán nhà tại TPHCM, bán cả xe ô tô để có tiền đầu tư nuôi 300 – 400 con chồn hương vừa để chúng “xử lý” cà phê vừa để bán chồn thương phẩm.

Tại TPHCM, nhiều nhà hàng đã nhanh chân kinh doanh đặc sản thịt chồn hương và liên tục ổn định lượng thực khách đáng kể. Bà Phạm Nguyệt Nga (chủ chuỗi nhà hàng Nga 1 và nhà hàng Nga 2 ở số 21 và 9A Tôn Đức Thắng, Q1, TPHCM) cho biết: “Nhằm tránh nạn săn bắt chồn hương tự nhiên, tôi đã liên kết với anh Khánh và đầu tư 2 tỷ đồng để mở rộng trang trại sinh sản, nâng tổng số chồn hương nuôi tại đây lên 2.000 con. Chúng tôi cũng liên kết với nhiều trang trại khác để có nguồn chồn hương ổn định cung cấp cho thực khách”.

Do dễ nuôi, dễ bán nên hiện nay nhiều nông dân, doanh nghiệp ở Đăk Nông, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Củ Chi (TPHCM) đã triển khai những trang trại nuôi chồn hương với quy mô lớn. Được biết, giá chồn hương giống 10 triệu đồng/cặp và chồn hương thương phẩm khoảng 1,2 – 1,5 triệu đồng/kg. Nuôi chồn hương tại gia đình hay quy mô trang trại đang mở ra một hướng đi mới, giúp nhiều người làm giàu chân chính.

Theo y học, thịt chồn hương mềm, thơm, ngọt, da và xương được dùng như một vị thuốc y học cổ truyền. Đặc biệt, nếu chồn hương khi vào mùa cà phê và thức ăn là cà phê thì thịt của nó có vị ngọt và thơm ngon hơn hẳn.

Trích nguồn www.sggp.org.vn

 


error: Nội dung đã được bảo vệ! Đừng copy! Thanks!