Hạt cà phê đã phổ biến rộng rãi khắp thế giới ngày nay, là kết quả của một hành trình lịch sử tầm cỡ thế giới. Đó là một câu chuyện hòa trộn giữa tôn giáo, chế độ nô lệ, những chuyến buôn lậu và cả tình yêu, một câu chuyện chỉ có thể kể khi ta chắp nối giữa sự thật và lời truyền miệng.
NHỮNG PHÁT HIỆN ĐẦU TIÊN
Cà phê được phát hiện ít nhất một thiên niên kỷ trước. Tuy không ai có thể chắc chắn, nhưng nguồn gốc của hạt Arabica được cho là ở Nam Sudan và Ethiopia, trong khi Tây Phi là cái nôi của Robusta. Thậm chí trước khi hạt cà phê được chế biến như ngày nay, quả và lá cà phê đã được tận dụng bởi tác dụng tăng cường sinh lực. Những người chăn gia súc lang bạt đã trộn hạt cà phê với mỡ và gia vị để tạo những “thanh kẹo tăng lực” trong những chuyến đi xa của mình. Nhiều nơi khác, người ta lại đun lá và vỏ quả để làm thức uống.
Cafe được phát hiện đầu tiên bởi anh chàng chăn dê. Và người hồi giáo ở Eden là người uống cafe đầu tiên.
Chuyện được kể rằng, cà phê đã được mang đến Yemen và Ả Rập bởi những đoàn nô lệ gốc Phi. Vào thế kỷ 14, những người theo đạo Sufi rất chuộng một loại trà làm từ quả cà phê và đặt tên cho nó là “quishr” hay “rượu vang Ả Rập”, bởi nó giúp họ tỉnh táo trong những buổi cầu nguyện xuyên đêm. Tin tức lan rộng, và dần dà xuất hiện những khu vực nơi các thương nhân và học giả có thể uống quishr và giao lưu với nhau, và được gọi là “trường của những nhà thông thái”. Mặc dù nhiều người lo ngại tằng quishr không phù hợp với đức tin của họ, những “quán cà phê” thuở sơ khai này vẫn mở đều đặn, và hạt cà phê ngày càng trở nên nổi tiếng.
Vào khoảng thế kỷ 15, người Ả Rập đã bắt đầu rang và nghiền hạt cà phê để tạo ra loại thức uống rất giống với ngày nay, trước khi nó được phổ biến tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Bắc Phi.
SỰ LAN RỘNG CÙNG CHỦ NGHĨA THỰC DÂN
Độc quyền trong buôn bán cà phê, người Ả Rập bảo vệ hết sức nghiêm ngặt mặt hàng này, họ thậm chí còn luộc hạt cà phê để không ai có thể trồng trọt được nữa. Tuy nhiên vào đầu thế kỷ 16, một người theo đạo Sufi buôn lậu hạt cà phê từ Yemen tới Ấn Độ, và một thương nhân người Hà Lan lại nhập lậu cây con từ Yemen và trồng chúng ở Amsterdam. Vào cuối thế kỷ 17, cà phê đã được trồng rồng rãi ở các thuộc địa của Hà Lan, đặc biệt là trên đất Malaysia.
Những thuộc địa ở vùng Caribbean và Nam Mỹ bắt đầu trồng cà phê vào đầu thế kỷ 17. Khi người Hà Lan trồng cà phê ở Suriname và sau đó tặng cây con cho Pháp, người Pháp đã mang chúng đến với Haiti, Martinique, Guiana, trong khi người Anh mang cà phê từ Haiti tới Jamaica.
Năm 1727, người Bồ Đào Nha cử một sĩ quan hải quân từ Brazil đến Guiana để lấy về loại hạt hấp dẫn này. Chuyện kể rằng anh ta bị từ chối thẳng thừng. Và thay vì quay về tay trắng, chàng sĩ quan đã rắp tâm quyến rũ vợ của Thống đốc, và thuyết phục bà lén tuồn cho anh một bó cây giống. Thế là từ Nam Phi và vùng Caribbean, cà phê lan rộng đến Trung Mỹ và Mexico. Đến cuối thế kỷ 18, cây giống lại được đem trở về các vùng đất thuộc địa châu Phi, và cho đến nay là khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là châu Á.
HÀNH TRÌNH ĐẾN VIỆT NAM
Ban đầu, cà phê được trồng trong khuôn viên nhà thờ ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, vài chục năm sau nó mới có mặt ở Buôn Ma Thuột khi thực dân Pháp đẩy mạnh chính sách khai thác thuộc địa.
– Việt Nam bắt đầu sản xuất cà phê từ 1857.
– 1912 – 1914, cà phê mới được người Pháp chính thức trồng tập trung, quy mô lớn tại Buôn Ma Thuột.
– 1931, các đồn điền cà phê của người Pháp ở Buôn Ma Thuột đã đạt đến sự phát triển thịnh vượng nhờ tiềm năng đất đai, khí hậu cũng như việc sử dụng nhân công giá rẻ. Cà phê robusta được chọn lọc qua nhiều thập kỷ, trở thành giống cà phê chủ lực ở Đăk Lăk.
– Đến trước năm 1975, Đăk Lăk có 8.600ha cà phê robusta cho sản lượng 11.000 tấn/năm. Cà phê robusta Buôn Ma Thuột đã được người tiêu dùng trên thế giới ngưỡng mộ bởi hương vị tự nhiên, đậm đà, không gắt như cà phê rosbusta ở nhiều nước. Điều này một lần nữa khẳng định, Buôn Ma Thuột là vùng đất phù hợp với cây cà phê vào bậc nhất thế giới.
BẢN ĐỒ CÀ PHÊ THẾ GIỚI
Năm 2009, Brazil là nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, tiếp đó là Việt Nam, Indonesia và Colombia. Hạt cà phê Arabica được trồng ở châu Mỹ La tinh, Đông Phi, bán đảo Ả Rập hay châu Á. Hạt cà phê Robusta được trồng nhiều ở Tây và Trung Phi, phần lớn Đông Nam Á và ở một mức độ nào đó là Brazil.
Hạt cà phê từ các quốc gia và khu vực khác nhau có thể phân biệt được bằng sự khác biệt trong hương vị, mùi thơm, tính axit. Sự khác biệt về vị không chỉ phụ thuộc vào khu vực trồng cà phê mà còn phụ thuộc vào các giống cà phê và cách chế biến. Có vài loại cà phê nổi tiếng với khu vực gieo trồng như cà phê Colombia, cà phê Java và cà phê Kona.
Hành trình tóm tắt của hạt cafe:
Thế kỷ 16: – Từ Yemen tới Hà Lan và Ấn Độ – Từ Hà Lan đến Ấn Độ, Java, Suriname và Pháp |
Thế kỷ 17: – Du nhập từ Pháp đến Haiti, Martinique, Guiana thuộc Pháp và đảo Réunion |
Thế kỷ 18 – Từ Brazil quay về Bắc Phi – Từ Réunion đến Đông Phi |
Thế kỷ 19 – Đến Việt Nam |
Chỉ trong vài trăm năm, cà phê đã hoàn thành chuyến du ngoạn vòng quanh thế giới mà từ xuất phát điểm là một loại đồ uống, đã trở thành một loại sản vật thực thụ.
Theo Coffee Obsession